0976.450.265 – 0918.362.567

CS1: Số 145, Đường Ngư Hải, TP. Vinh, Nghệ An

CS2: Nhà B305, Đường Cây Xanh, Hưng Phúc, TP Vinh

Giờ Làm Việc

Thứ 2 - Chủ nhật: 24/7

Nha khoa trẻ em

Nha khoa trẻ em

Con người có 2 hệ răng: răng sữa và răng vĩnh viễn.

Hệ răng sữa tồn tại từ khoảng 6 tháng tuổi đến 12 tuổi, và sau đó được thay bằng những chiếc răng vĩnh viễn. Chiếc răng vĩnh viễn mọc đầu tiên khi bé 6 tuổi, đây là một chiếc răng hàm. Chiếc răng hàm này đặc biệt quan trọng để giữ vị trí mọc răng của những chiếc răng khác; nó còn có nhiều tên gọi: răng 6 tuổi, răng hàm vĩnh viễn thứ nhất, hoặc răng cối lớn thứ nhất. Răng 6 tuổi hay bị tưởng lầm là răng sữa nên bị để hư rất đáng tiếc.

Khi chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên bắt đầu mọc lên, thì cũng là lúc những chiếc răng sữa bắt đầu lung lay và rụng dần để được thay thế bằng những chiếc răng vĩnh viễn. Quá trình thay răng diễn tiến tuần tự, từ 6 tuổi – 12 tuổi. Giai đoạn này trên cung hàm của trẻ tồn tại cả 2 hệ răng sữa và răng vĩnh viễn, nên còn có tên gọi là giai đoạn răng hỗn hợp.
Răng sữa có kích thước nhỏ hơn răng vĩnh viễn, màu cũng trắng hơn. Đặc biệt kích thước thân răng không thay đổi theo tuổi, trong khi xương hàm + mặt của trẻ lại phát triển rất mạnh ở giai đoạn răng hỗn hợp. Do đó, ta thường thấy một số điểm không cân đối trong giai đoạn này như:


-Bộ răng sữa trở nên thưa khi bé lên 6 tuổi.
-Kích thước răng cửa vĩnh viễn quá lớn so với gương mặt của trẻ.
-Màu răng vĩnh viễn quá sậm so với màu răng sữa.

Quan niệm cũ chỉ chú trọng đến bộ răng vĩnh viễn là điều sai lầm. Để có hàm răng sau này đẹp, hệ răng sữa cũng góp phần quan trọng. Cần chú ý chăm sóc cho trẻ ngay từ khi chiếc răng sữa đầu tiên mọc.

I. Tuổi mọc răng sữa:
Khi trẻ 6 tháng tuổi chiếc răng sữa đầu tiên sẽ mọc, thường là chiếc răng cửa hàm dưới. Bộ răng sữa gồm 20 chiếc; không có răng tiền hàm và răng khôn như hệ răng vĩnh viễn.

Sau đây là bảng tham khảo tuổi mọc và thay răng sữa. Lưu ý thời gian trên có thể sai lệch vài ba tháng vẫn được xem là trong giới hạn bình thường.
+ Đối với hàm dưới :
Hai răng cửa hàm dưới thường mọc đầu tiên, sau đó các răng khác sẽ tuần tự mọc. Như vậy, khoảng 2 tuổi rưỡi đến 3 tuổi trẻ đã có bộ răng sữa đầy đủ.

II. Vai trò của răng sữa
Đa số các bậc phụ huynh thường cho rằng bộ răng sữa sau này sẽ được thay bởi răng vĩnh viễn nên không quan tâm đến việc giữ gìn. Thực tế, bộ răng sữa có nhiều chức năng quan trọng.

Về hệ tiêu hóa: Răng sữa giúp bé thực hiện chức năng ăn nhai trong những năm đầu đời.
Giữ khoảng: Mỗi răng sữa tương ứng sẽ được thay thế bằng một răng vĩnh viễn cho nên răng sữa được xem là bộ giữ khoảng tốt nhất cho răng vĩnh viễn sau này mọc.
Kích thích sự phát triển của xương hàm: Việc bé sử dụng răng sữa ăn nhai chính là giúp cho hệ thống sọ mặt phát triển bình thường.
Chức năng phát âm: Nếu mất răng sữa, bé sẽ khó phát ra một số âm mà cần có sự phối hợp giữa răng và lưỡi, môi.
Ví dụ: Âm “th” và âm “ph”.
Chức năng về thẩm mỹ thì chắc hẳn ai cũng rõ.

III. Bảo vệ và chăm sóc hàm răng sữa của bé

1. Đầu tiên là phải vệ sinh răng miệng cho bé:
– Việc vệ sinh răng miệng cho bé bắt đầu từ khi bé còn là trẻ sơ sinh, giai đoạn này bố mẹ có thể dùng gạc xỏ vào ngón tay, thấm một ít nước muối sinh lý và xoa đều mặt lưỡi, mặt nướu, cho bé uống nước sau mỗi lần ăn và bú.
– Khi mọc chiếc răng cửa đầu tiên, phụ huynh vẫn có thể áp dụng phương pháp trên.
– Khi bé nhiều răng hơn thì bắt đầu sử dụng bàn chải đánh răng nhỏ, lông thật mềm để đánh răng. Bạn nên mua cho bé những bàn chải màu sắc và hình vui nhộn. Lưu ý dùng kem đánh răng có vị ngọt, hương thơm cho trẻ. Bởi trẻ có thể nuốt kem bất cứ lúc nào nên bạn chỉ lấy lượng kem bằng hạt đậu.
– Giai đoạn này bé thường chẳng hiểu thế nào là sâu răng, là vi khuẩn. Phụ huynh nên dùng những từ dễ hiểu để giải thích cho bé như “bắt con sâu”, “đuổi con sâu đi”… Chỉ cần bé hiểu rằng sau mỗi bữa ăn là phải chải răng sạch, vậy là đã thành công rồi.
 Hướng dẫn bé chải răng như thế nào?

Đơn giản nhất là cho bé há miệng nhỏ hoặc cắn chặt 2 hàm rồi làm động tác xoay tròn từ hàm trên xuống hàm dưới đối với mặt ngoài.
Mặt nhai: hướng dẫn bé chải tới lui khoảng 4 – 5 lần cho 1 răng.
Mặt lưỡi: để lông bàn chải nghiêng về phía nướu rồi dùng động tác hất về phía cạnh cắn hoặc mặt nhai.

Lưu ý: 
là cần chải răng ngay sau mỗi bữa ăn vì diễn tiến sâu răng mạnh nhất chỉ trong khoảng 30 phút sau khi ăn. Chải răng trước khi đi ngủ là quá muộn và ít tác dụng. Tuy nhiên, đối với thức ăn có tính acid cao như cam, chanh thì không được chải răng ngay vì men răng đã bị acid làm yếu đi, nếu chải răng ngay sẽ làm mòn men răng.

2. Cho trẻ nhận thức được những loại đồ ăn nào tốt, đồ ăn nào không tốt cho răng.
Kẹo, bánh ngọt, chất đường không tốt cho răng. Cần đánh răng hay súc miệng ngay khi dùng những thực phẩm này. Nên dùng ống hút khi uống nước ngọt như Coca để hạn chế đường bám vào men răng. Hạn chế thói quen ăn vặt, nếu có ăn ngọt nên ăn cùng bữa ăn chính để kết hợp đánh răng ngay sau bữa ăn.

3. Tránh thói quen cho trẻ bú đêm và bú bình.

Điều này không tốt cho trẻ, vì ban đêm khi bé ngủ, lượng nước bọt sẽ giảm đáng kể nên việc cho bé bú đêm sẽ dẫn tới hiện tượng đa sâu răng.
Việc bú bình cũng ảnh hưởng xấu tới trẻ. Nghiên cứu cho thấy sự khác nhau giữa trẻ bú bình và bú mẹ. Để mút được sữa mẹ, trẻ phải vận động hàm dưới, các cơ mặt và cơ hàm nên thường xoang hàm sẽ phát triển tốt hơn. Hơn nữa việc bú bình thường làm trẻ có cung răng hàm trên sau này nhọn và hàm dưới kém phát triển.

4. Tập cho trẻ thói quen đến nha sĩ khám răng 

Ấn tượng đầu tiên của trẻ là điều quan trọng, vì vậy lần đầu tiên trẻ tới phòng nha khoa chúng ta phải tạo cho trẻ cảm giác thật thoải mái, vui vẻ. Việc điều trị nên diễn ra tuần tự, từ đơn giản đến phức tạp cho trẻ quen dần. Phụ huynh cũng cần lưu ý rằng men răng sữa mềm hơn răng vĩnh viễn nhiều, dẫn đến việc trẻ rất dễ bị sâu răng sữa và sâu răng cũng tiến triển rất nhanh cho nên tốt nhất là cho bé tái khám định kỳ 3 tháng 1 lần.

<